Times Higher Education đã chỉ ra những trường xuất sắc nhất nước Đức trong bảng xếp hạng cùng tên. Trong số đó, bạn có thể đọc thấy những tên tuổi đại học lâu đời và cả những trường đại học kỹ thuật “trẻ tuổi” nằm ở Munich, Berlin và 35 thành phố khác nhau trên toàn nước Đức.
Có hơn 500 chương trình cấp bằng (cả bậc cử nhân lẫn thạc sĩ) được giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường Đại học nước Đức và các chương trình này trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại rất nhiều sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế.
>> Du học Đức nên chọn ba ngành này
>> 7 chương trình học bổng du học Đức dành cho bạn
Theo kết quả Bảng xếp hạng các trường Đại học thế giới 2015-16, tổng cộng có 37 trường Đại học của Đức lọt vào danh sách này. Dưới đây là danh sách 5 trường có thành tích cao nhất bảng xếp hạng.
1. LMU Munich
LUM Munich hay Ludwig Maximilian University of Munich là ngôi trường có số lượng sinh viên đông thứ hai trên toàn nước Đức và cũng là sự lựa chọn của rất nhiều sinh viên quốc tế. Có 13% sinh viên của trường có quốc tịch nước ngoài.
LMU Munich được thành lập vào năm 1472 và đây chính là một trong những ngôi trường lâu đời nhất cả nước. Có 34 nhà khoa học nhận giải Nobel từng học tập và làm việc với trường, trong đó có cả Otto Hahn, Max Planck và Werner Heisenberg.
LMU Munich một ngày nắng đẹp. Credit photo: Fanpage LMU Munich
Kể từ cuối thế kỷ18, trường đã tập trung vào lĩnh vực khoa học tự nhiên và cũng đã dẫn dắt nhiều nghiên cứu, tìm tòi những phát minh có giá trị.
Ra đời năm 2005, Giải thưởng sáng kiến xuất sắc của các trường Đại học Đức đã được trao cho LMU Munich, ngoài ra, trường cũng đạt rất nhiều giải thưởng quan trọng khác.
2. Heidelberg University
Heidelberg University, được thành lập năm 1386, là ngôi trường lâu đời nhất nước Đức hiện nay.
Hiện nay, trường có các chương trình đào tạo ở cả bậc cử nhân lẫn sau cử nhân trên 100 ngành khác nhau. Các giảng viên của trường đã lập nên nhiều chương trình đa ngành, gồm có di truyền tâm thần học, xã hội học hiện đại và vật lý môi trường.
Sinh viên quốc tế chiếm 20% tổng số lượng sinh viên toàn trường, đến từ 130 quốc gia trên toàn cầu và hơn 1/3 sinh viên bậc tiến sĩ đến từ nước ngoài.
Trường đặc biệt xuất sắc cho những sáng kiến nghiên cứu và các đóng góp học thuật cho nhiều lĩnh vực. Có 56 nhà khoa học được giải Nobel từng cộng tác với Đại học Heidelberg trong đó có 9 người được nhận giải khi đang giữ nhiệm kỳ làm việc tại trường.
Có rất nhiều chính trị gia, triết học gia, và các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng là cựu sinh viên hoặc đối tác của trường, trong đó có cả Max Weber – nhà sáng lập của nền xã hội học hiện đại – và triết học gia Hannah Arendt.
3. Humboldt University of Berlin
Humboldt University of Berlin không chỉ được biết tến vì danh tiếng của trường mà còn do phương pháp giáo dục mà nhà trường áp dụng dựa trên hình mẫu của mô hình giáo dục châu Âu và phương Tây kể từ thế kỷ 19.
Nguyên tắc hoạt động cơ bản của trường đó là kết hợp được cả giáo dục lẫn nghiên cứu và cả hai hoạt động này đều được dẫn dắt bởi những học giả xuất chúng như Marx và Engels, Walter Benjamin, Albert Einstein và Max Planck.
Tổng cộng có khoảng 40 nhà khoa học đạt giải Nobel đã đang cộng tác với Đại học Humboldt, hầu hết trong số họ là các nhà vật lý học, hóa học và Y học.
Trường có thành tích đào tạo nổi trội trong tất cả các lĩnh vực, không ngoại lệ lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn. Các chương trình nhân văn của trường thậm chí còn được xếp hạng 21 toàn thế giới.
Mở cửa từ năm 1874, thư viện của trường là một trong những thư viện có nguồn tài liệu dồi dào nhất cả nước với khoảng 6.5 triệu đầu sách và hàng ngàn tạp chí lẫn tờ báo, mang đến một nguồn tư liệu giá trị, phong phú cho sinh viên.
Trong khoảng 30,000 sinh viên của trường có 16% là sinh viên quốc tế.
4. Technical University of Munich
Cũng được thành lập vào thế kỷ 19, Technical University of Munich là trường đại học công lập duy nhất trên cả nước đào tạo riêng lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Thuở mới thành lập, trường tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kỹ thuật, nhưng đã mở rộng theo thời gian ra cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nông nghiệp, ủ rượu và công nghệ thực phẩm, và Y học. Có rất nhiều chương trình chuyên khoa trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin được nhà trường đi sâu vào đào tạo.
Chiếc cầu tuột độc đáo trong trường Technical University of Munich – Credit photo: Internet
Từ năm 1927 đến nay, có 13 giải thưởng Nobel trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y khoa được trao cho các học giả của trường.
Năm 2001, Đại học công nghệ Munich đã thành lập một trường đại học trực thuộc – German Institute of Science and Technology (GIST- Viện Khoa học công nghệ Đức) – TUM Asia – tại Singapore, mang đến một môi trường giáo dục quốc tế cho sinh viên châu Á.
5. Free University of Berlin
Trong vòng 15 năm qua, Free University of Berlin đã giảm tải một số lượng sinh viên đáng kể từ 60,000 xuống 30,000. Có khoảng 20% sinh viên toàn trường có quốc tịch nước ngoài.
Trường thường xuyên nhận được các nguồn hỗ trợ tài chính giá trị dành cho những nghiên cứu phục vụ phát triển.
Khu học xá chính của trường đặt tại quận Dahlem, Berline, ngoài ra trường còn có 3 khu học xá khác đào tạo khoa học trái đất, thú y và y khoa.
Free University of Berlin trong dịp lễ hội – Credit photo: Fanpage Free University of Berlin
Một ngôi làng sinh viên – Studentendorf Schlachtensee – đã được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1964 để hỗ trợ nhà ở cho sinh viên theo học tại trường dưới sự bảo trợ tài chính bởi chính phủ Mỹ. 27 tòa nhà của trường chính là một khu nhà ở sinh viên đầu tiên được xây dựng thời thời hậu chiến, và đây cũng chính là lí do ngôi làng này mang một giá trị lịch sử và kiến trúc rất lớn.
Nguồn: Times Higher Education